“Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi,
nghĩa là trong xác thịt tôi.”
(Rôma 7:18)
Chở tôi đi thăm một bạn đồng nghiệp nghỉ hưu, anh bảo:
– Mình đi tắt, gần hơn mà ít xe. Đường nhỏ nhưng thường thông thoáng.
Từ phía Lăng Ông Bà Chiểu, qua khỏi trường học, gần tới Cầu Bông thì anh rẽ phải vào đường Vũ Huy Tấn. Sắp quẹo trái để lên cầu Hoàng Hoa Thám, gặp đèn đỏ, anh dừng lại. Ngồi phía sau, gãi gãi vào lưng áo anh, tôi trêu:
– Đường vắng, không cảnh sát giao thông, ngoan thế!
Anh cười hì hì, chẳng nói gì, đợi đèn xanh mới cho xe chạy lên cầu.
Cùng ngồi uống trà trong nhà người bạn ở Xóm Chùa, tôi kể lại chuyện chấp hành luật lệ giao thông của anh. Chủ nhà gật gù khen, giọng chẳng hề giễu cợt:
– Người hiếm có! Hiếm có!
Uống xong chén trà, ông giáo già nói thêm:
– Mà phải như vậy thôi.
Anh gật đầu, tỏ ý tán thành. Hai người vốn là tri kỷ, làm bạn tu tại gia (cư sĩ) với nhau bấy lâu, tôi đoán mình sắp được nghe một chủ đề vượt ra ngoài phạm vi đèn xanh, đèn đỏ.
Quả nhiên, anh thủng thỉnh mở lời:
– Thấy cảnh sát thì mình không phạm luật. Vắng bóng họ, mình chạy ẩu. Phần đông chúng ta đều làm như thế trong cuộc sống. Vô chùa thất, vào nhà thờ nói chung ai cũng cung kính, cẩn thận khi đứng trước tượng Phật, Chúa, Thánh Thần; nhưng hễ bước ra ngoài thì hay… lung tung. Chúng ta tôn kính hình ảnh, cốt tượng Đấng thiêng liêng trên bàn thờ nên biết giữ gìn mồm miệng, cử chỉ, hành vi. Trái lại, khi ở một mình, hoặc cho rằng không ai thấy ai biết, chúng ta dễ mắc lỗi, dễ sái quấy.Giá như chúng ta biết tin chắc, tin mạnh mẽ rằng trong chính ta lúc nào cũng thường trực có mặt một vị Phật, Chúa, Thánh Thần vô hình, một đấng Impersonal God, thì ta còn cẩn thận, giữ gìn hơn cả khi đứng trước một bàn thờ hữu hình trong thánh đường.
Chủ nhà rót thêm cho anh chén nước, gục gặc đầu tỏ vẻ đắc ý, và phụ họa:
– Hồi mới nhập môn Cao Đài, tụng Kinh Sám Hối, có hai câu tôi không hiểu:“Biết chước quỷ đánh lừa phá hoại/ Yếu đức tin nên phải lụy mình.” Sau này tôi mới vỡ lẽ như anh vừa nói. Nếu ta vững đức tin rằng trong thân xác ta đang có và luôn có Đấng thần minh ngự trị thì ta sẽ cố giữ mình để khỏi phạm lỗi. Có lần tôi đọc được câu này trong bài giảng của một vị mục sư người Mỹ:“Temptation is not sin, but a trial of my faith.” (Cám dỗ không phải là tội lỗi, mà là một thử thách đức tin của tôi.) Nói được như thế quả là đạt đạo. Nếu đức tin vào Phật Chúa nội tại (immanent) trong ta vững mạnh thì ta không dễ bị cám dỗ để vấp ngã, phạm tội.
Anh trầm ngâm một lúc rồi nhìn tôi, nói như tâm tình:
– Học đạo, có những câu đơn giản lắm! Có khi mình hiểu liền; có khi phải trải qua một thời gian chiêm nghiệm sau những trầy trật bản thân, bấy giờ mới bừng ngộ, nên càng thấm thía. Đức Tôn Sư dạy chúng tôi tu thiền là Đông Phương Lão Tổ. Hồi cuối năm Ất Tỵ (1965), khi khuyên chúng tôi phải luôn đề cao cảnh giác, kẻo dễ phạm lỗi, Ngài dạy: “Ở đời mạt kiếp này, đã là người thì không ai khỏi lỗi. Nhích chơn, hả miệng đã gây nên tội lỗi rồi, cần gì phải hành động?” Đó không phải là lời nói cường điệu. Hồi xưa, trong thư gởi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô viết: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi.” Lúc đầu, mới tập đọc Kinh Thánh, tôi không hiểu vì sao trong một vị Thánh tông đồ mà lại có điều bất thiện. Lần hồi, tu học thêm được chút ít, tôi nghĩ Thánh Phaolô dạy như thế có lẽ để nhắn nhủ chúng ta rằng trong con người phàm tục vốn chất chứa nhiều ham muốn, nên chúng ta có xu hướng dễ phạm lỗi, mắc tội.
Chủ nhà tán thành:
– Mở đầu sách Trung Dung của đạo Khổng có mấy chữ này: “Cố quân tử thận kỳ độc dã.” Đại khái mình hiểu là người quân tử dù ở lẻ loi một mình cũng rất cẩn thận giữ gìn, không để dể duôi phạm lỗi rồi mới đi tụng Kinh Sám Hối. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ dịch câu chữ Nho này thành lục bát quá hay:“Nên dù chiếc bóng tịch liêu / Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng.”
Huệ Khải
Bà Chiểu, 18-9-2011
CGvDT số 1826, ngày 23-9-2011
Nguồn: Góc Nhà Huệ Khải
Nhận xét
Đăng nhận xét